Lô hàng ùn ứ trong cảng

Khoảng 1 tuần nay, Lô hàng ùn ứ trong cảng nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa phải tốn thêm chi phí lưu công, lưu bãi do cơ quan hải quan lưu giữ hàng hóa chờ kiểm tra chuyên ngành

Theo quy định của Luật Hải quan mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành phải lưu giữ tại các cửa khẩu cho đến khi được thông quan. Doanh nghiệp (DN) chỉ được phép mang hàng về địa điểm khác trong thời gian chờ kiểm tra chuyên ngành khi đáp ứng các điều kiện về giám sát hải quan.

Tốn thêm chi phí

Tình trạng ùn ứ hàng xảy ra tại một số cảng trên địa bàn TP HCM, trong đó có cảng Cát Lái (do lượng hàng thông quan qua cảng này rất lớn). Đại diện Công ty TNHH Marine Functional Việt Nam (sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản) cho biết dù hàng đã cập cảng nhưng thời gian chờ cấp chứng thư chuyên ngành từ cơ quan thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm phải mất thêm 10-15 ngày, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DN.

Với một số mặt hàng nguyên liệu đông lạnh, thủy hải sản nếu để ngoài cảng quá lâu sẽ bị hư hỏng. Ngoài ra, DN còn phải tốn chi phí lưu kho, lưu bãi, tiền điện… Chẳng hạn, hãng tàu CMA vận chuyển một container 40 feet sẽ cho DN miễn phí 5 ngày lưu công, sau đó nếu hàng vẫn nằm ở cảng DN phải tốn phí lưu công 42 USD/ngày, phí lưu bãi 6 USD/ngày…

Vận chuyển hàng hóa tại cảng Cát Lái
Vận chuyển hàng hóa tại cảng Cát Lái

“Nếu hàng nhập từ châu Âu, chứng từ hàng hóa sẽ về trước để DN mở tờ khai, làm thủ tục xác nhận kiểm tra chuyên ngành, DN đỡ tốn kém. Còn hàng nhập từ Thái Lan chỉ 3 ngày đã cập cảng nhưng phải mất 5 ngày chứng từ mới về tới để làm thủ tục hải quan, cộng thêm 7-21 ngày chờ được cấp các giấy tờ kiểm tra chuyên ngành nên việc hàng bị lưu giữ ở cảng đã gây tốn kém rất nhiều cho DN” – đại diện công ty này than thở.

Trong khi đó, nhân viên phụ trách xuất nhập khẩu một DN thủy sản lớn tại TP HCM cho biết trung bình mỗi tháng, DN nhập khoảng 50 container nguyên liệu về để gia công. Từ đầu năm 2015, hàng về đến cảng bị kẹt lại do quy định mới. Chỉ tính riêng tiền điện (hàng đông lạnh), DN phải tốn 1,5 triệu đồng/ngày và 40-80 USD/ngày tiền lưu kho bãi.

“Chúng tôi nhập nguyên liệu để gia công nên lợi nhuận không cao, nay phát sinh thêm chi phí càng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. DN đã kiến nghị xin được mang hàng về kho bãi của mình để bảo quản trong khi chờ kiểm tra chuyên ngành” – đại diện DN này cho biết.

Chờ Tổng cục Hải quan hướng dẫn

Một lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1 xác nhận có tình trạng ùn ứ hàng tại cảng Cát Lái. Dù Luật Hải quan mới cho phép DN mang hàng về kho bãi của mình nhưng quy định khắt khe hơn và chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Trước mắt, để giải tỏa hàng cho DN, chi cục vẫn áp dụng quy định cũ (xem xét từng trường hợp cụ thể rồi cho phép DN chuyển hàng về địa điểm bảo quản) trong khi chờ hướng dẫn từ Tổng cục Hải quan.

Theo Cục Hải quan TP, việc các bộ, ngành chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nghị định về cơ chế điều hành xuất nhập khẩu theo Luật Hải quan mới đã gây khó cho cơ quan hải quan, tăng chi phí cho DN.

Cụ thể là những mặt hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch, kiểm tra chất lượng các bộ, ngành chưa ban hành danh mục cụ thể theo mã hàng hóa mà chỉ ghi tên mặt hàng kiểm tra.

Cơ quan hải quan rất khó xác định chính xác đối tượng phải kiểm tra, làm kéo dài thời gian thông quan hàng hóa và gây phản ứng từ phía cộng đồng DN. Thậm chí, cơ quan hải quan cũng không xác định được mặt hàng kiểm tra thuộc trách nhiệm quản lý của bộ, ngành nào.