Logistics Việt Nam tiến đến AEC

(Vietnam Logistics Review) Sau khi AEC hình thành, việc không còn rào cản thuế quan, hay thuế suất bằng 0 là lợi ích to lớn nhất khi AEC định hình, bởi đây chính là “liều thuốc bổ” kích thích xuất khẩu, thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên ASEAN.

HỘI NHẬP Logistics ASEAN

Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN ECONOMIC COMMUNITY – AEC) là một trong 3 trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN, bao gồm Cộng đồng Chính trị – An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội (ASCC), nằm trong Lộ trình và Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Việc thực hiện các cam kết tự do hóa đối với 12 lĩnh vực ưu tiên hội nhập của ASEAN là dệt may, cao su, giày dép, công nghiệp chế tạo ôtô, nông nghiệp, thủy sản, công nghệ thông tin, du lịch… đang đi vào giai đoạn cuối. Các luồng di chuyển vốn, dịch vụ được cởi mở thông thoáng trên định hướng của AEC.

Kể từ khi chuyển sang giai đoạn thực hiện, gần 3 năm qua, ASEAN đã thực hiện lộ trình hội nhập Logistics với nhiều bước tiến quan trọng trong việc tăng cường hợp tác chặt chẽ lĩnh vực Logistics. Theo các quan chức kinh tế ASEAN, có 4 bước để
Logistics hội nhập nhanh, đó là: tự do hóa thương mại, dỡ bỏ rào cản thuế và phi thuế quan cho hàng hóa lưu chuyển thuận lợi, tạo cơ hội cho DN trong lĩnh vực Logistics, nâng cao năng lực quản lý Logistics và phát triển nguồn nhân lực.

Hiện tại, VN đang khẩn trương thực thi kế hoạch chiến lược phát triển hải quan và cơ chế một cửa ASEAN. Để nâng cao năng lực quản lý trong lĩnh vực Logistics, VN cũng đang sửa đổi, loại bỏ các rào cản về pháp lý không phù hợp nhằm hài hòa quy tắc quản lý thương mại và thủ tục hải quan giữa các nước. Theo kế hoạch, đến năm 2015, hầu hết các dòng thuế trong nội bộ ASEAN sẽ đạt 0%. Hàng hóa từ các nước thành viên giao thương lẫn nhau sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi nhất, không hạn chế về số lượng và địa điểm nhằm từng bước xây dựng không gian kinh tế thống nhất, tiến tới hoàn thành việc xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Hướng tới thị trường Logistics hội nhập và cạnh tranh, việc thiết lập thị trường
Logistics thống nhất ASEAN đang được xây dựng. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn của lộ trình hội nhập Logistics ASEAN là khoảng cách về tiêu chuẩn, công nghệ, năng lực chuyên môn và trình độ phát triển của các nước ASEAN. Mục tiêu đặt ra là chiến lược hội nhập Logistics của ASEAN cần phải được cụ thể hóa trong chiến lược của mỗi quốc gia thành viên nhằm thu hẹp khoảng cách này.

CƠ HỘI CHO Logistics VN

Cơ hội mở ra cho thấy khi AEC đi vào hoạt động sẽ tạo ra một thị trường đơn nhất, khai thác được tối đa các ưu đãi thương mại tự do (FTA) mang lại, thuế suất lưu thông hàng hóa giữa các nước trong khu vực sẽ được cắt giảm dần về 0%. Vì vậy, năm 2015 là thời điểm VN phải chạy “nước rút” để tiến đến mục tiêu xây dựng AEC vào cuối năm 2015. Điều này khiến DN VN, nhất là DN vừa và nhỏ không thể chỉ bó hẹp tầm nhìn trong tỉnh, thành phố hay trong phạm vi quốc gia mà cần phải mở rộng hơn tới toàn cầu.

Thời gian qua, ASEAN liên tục thuộc nhóm các thị trường xuất khẩu hàng đầu của VN. Dẫn số liệu thống kê từ Cục XNK cho thấy cán cân thương mại của VN với khối ASEAN đã có sự thay đổi rõ rệt. Nếu như năm 2011, kim ngạch xuất, nhập khẩu của VN sang khối các nước ASEAN tương ứng là 13,5 tỷ USD và 20,9 tỷ USD thì con số này của năm 2013 là 18,4 tỷ USD và 21,3 tỷ USD. Điều này thể hiện khoảng cách giữa xuất và nhập của VN đã được rút ngắn và con số xuất khẩu cũng tăng vọt.

Riêng 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều ước đạt 20,45 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2013 và chỉ đứng sau 2 thị trường lớn là Mỹ và EU. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu của VN sang ASEAN đang có chiều hướng chậm lại. Một trong những nguyên nhân là các ưu thế về xuất khẩu với khối thị trường truyền thống có vị trí địa lý gần, như các ưu đãi từ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chưa được tận dụng tối đa.

Theo các chuyên gia, khi AEC hình thành, các DN VN có thể bán hàng sang các nước ASEAN gần như bán hàng trong nước. Đây là một trong những thuận lợi đối với việc lưu chuyển hàng hóa của các DN. Hơn nữa, các thủ tục XNK sẽ đỡ rườm rà hơn và việc cải cách thủ tục xuất xứ, tiến tới cho phép DN tự chứng nhận xuất xứ cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN thông quan hàng hóa sang các thị trường ASEAN. Đây là thời điểm để các DN hết sức linh hoạt, nhạy bén, sớm nhận diện và nắm bắt những lợi ích tiềm năng từ AEC để thúc đẩy khả năng tăng quy mô kinh tế không chỉ khối thị trường này mà còn với các thị trường khác; trong đó có các thị trường ASEAN.

Theo Tổng cục Thống kê, nước ta còn nhập siêu dịch vụ trong năm 2014 khoảng 4 tỷ USD, chủ yếu do nhập khẩu dịch vụ vận tải vì hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vẫn do nước ngoài thực hiện là chính. Như vậy, bên cạnh những cơ hội cho hoạt động XNK thì còn nhiều thách thức cho VN tiến đến hội nhập AEC, đơn cử việc phát triển Logistics trong nước đóng vai trò rất lớn để hàng hóa và dịch vụ có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực ASEAN.

Thành Phương