Các FTA thúc đẩy hàng hóa tăng trưởng 12-15% hàng năm qua cảng Việt Nam

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang triển khai có thể thúc đẩy đáng kể hoạt động thương mại quốc tế giữa Việt Nam với các quốc gia khác.

Theo quy hoạch tổng thể ngành cảng biển (nguyên bản năm 2014 và sửa đổi năm 2017) của Bộ Giao thông vận tải Việt Nam, tổng sản lượng hàng hóa của các cảng biển Việt Nam dự kiến đạt 869.6 triệu tấn vào năm 2020 (tương đương mức CAGR là 15-17% từ 2017 đến 2020) và đạt 1,542.5 triệu tấn vào năm 2030 (CARG đạt 8,5% từ năm 2017 đến 2030).

cang-bien-vscs1

Có thể thấy, xuất nhập khẩu chiếm hơn 50% tổng sản lượng hàng hóa qua hệ thống cảng biển Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới với tổng kim ngạch thương mại xấp xỉ 200% GDP. Do đó, các hoạt động xuất nhập khẩu sẽ là động lực quan trọng cho sự phát triển tương lai của các cảng biển Việt Nam.

Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam trong báo cáo ngành cảng biển mới phát hành, trong 3-5 năm tới, theo ước tính triển vọng hoạt động thương mại của Việt Nam sẽ vẫn khả quan. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang triển khai như VN-EAEUV, Việt Nam-Hàn Quốc (VNKFTA), Việt Nam-EU (EVFTA đã kết thúc đàm phán vào tháng 12/2015 và dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2019), Quan hệ Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP – ASEAN+6 – đang đàm phán),… đặc biệt là CPTPP (TPP không có Mỹ, được chính thức ký vào tháng 3/2018 và dự kiến có hiệu lực từ tháng 12/2018) có thể thúc đẩy đáng kể hoạt động thương mại quốc tế giữa Việt Nam với các quốc gia khác.

“Nói cách khác, các FTA này có khả năng thúc đẩy tăng trưởng 12-15% hàng năm về sản lượng hàng hóa qua cảng của Việt Nam trong các năm tiếp theo. Mặc dù tiềm năng mỗi cảng sẽ phụ thuộc vào một vài yếu tố, sự tăng trưởng chung của ngành có thể tiếp tục mạnh mẽ ít nhất cho đến năm 2020” – nhóm phân tích KIS Việt Nam nhận định trong báo cáo.

cang-bien-vscs2

 

Cảng biển là một nút quan trọng trong chuỗi logistics, nơi hàng hóa được chuyển từ vận tải đường bộ sang đường biển. Tại Việt Nam, vận tải đường biển và đường thủy nội địa chiếm khoảng 22,5% tổng khối lượng hàng hóa vận tải. Vì vậy, ngành cảng biển đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động logistics và thương mại.

Do vận tải biển đóng góp cả sản lượng hàng hóa đầu vào và đầu ra cho các cảng, ngành cảng biển nói chung và Việt Nam nói riêng có mối tương quan chặt chẽ với tình hình vận tải biển toàn cầu cả về cả khối lượng và giá cước vận chuyển. Do đó, sự phục hồi trong nhu cầu và lợi nhuận của vận tải biển quốc tế có thể xem là triển vọng lạc quan đối với các cảng biển.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng hàng qua cảng của Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kép – CAGR 11% trong giai đoạn 2010-2017. Trong đó, từ năm 2015, ngành đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về sản lượng container, chủ yếu nhờ sự gia tăng ấn tượng của hoạt động xuất nhập khẩu.

Tháng 2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 200/QĐ-TTg, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển của ngành Logistic Việt Nam đến năm 2025. Nói cách khác, Chính phủ Việt Nam đang coi phát triển logistic là một trong những nhiệm vụ quan trọng và tập trung vào những năm tiếp theo. Và cảng biển – một nút quan trọng trong chuỗi logistic sẽ không là ngoại lệ.