Ký kết khoản vay để kết nối giao thông vùng núi phía Bắc

Ký kết khoản vay 188,36 triệu USD cho dự án “Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và ông Eric Sidgwick, cùng đại diện các cơ quan, ban ngành tham dự tại lễ ký kết. Ảnh: Hữu Thọ.

Đây là dự án có tổng mức đầu tư là 236,673 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của ADB là 188,36 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia trị giá là 4,481 triệu USD và vốn đối ứng là 43,829 triệu USD do ngân sách trung ương đảm bảo, được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Giao thông vận tải. Cơ quan chủ quản của dự án là Bộ Giao thông vận tải; cơ quan thực hiện – chủ đầu tư là Ban dự án 2 của Bộ Giao thông vận tải.

Dự án “Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc” gồm 2 tuyến. Tuyến 1 là xây dựng tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, có tổng chiều dài đầu tư xây dựng khoảng 147 km, trong đó đầu tư xây dựng mới khoảng 14,03 km, nâng cấp mở rộng 132,8 km, xây mới 17 cầu bê tông cốt thép rộng 9m với tổng chiều dài khoảng 730m (chưa bao gồm đường dẫn đầu cầu). Tuyến 2 là xây dựng tuyến nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài – Lào Cai với tổng chiều dài tuyến nâng cấp mở rộng khoảng 51,375 km (trong đó: 4,6 km được đi theo tuyến mới), xây mới 14 cầu bê tông cốt thép rộng 7,5m với tổng chiều dài khoảng 437m (chưa bao gồm đường dẫn đầu cầu). Dự kiến thời gian hoàn thành dự án là vào năm 2024.

Theo ông Eric Sidgwick, dự án nhằm mục tiêu mở rộng lợi ích của các hành lang GMS tới các tỉnh Tây Bắc. Tăng tính kết nối sẽ không chỉ thúc đẩy thương mại ở biên giới, đầu tư tư nhân và tạo việc làm trong khu vực, mà còn mang lại khả năng tiếp cận tốt hơn tới các dịch vụ xã hội cơ bản, như giáo dục, y tế, đào tạo nghề và cứu trợ thảm họa trong trường hợp khẩn cấp cho người dân các tỉnh Tây Bắc, đặc biệt là người dân tộc thiểu số nghèo.

Vùng Tây Bắc của Việt Nam gồm các tỉnh miền núi Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La và Yên Bái hiện đang tụt hậu so với phần còn lại của đất nước, với tỷ lệ hộ nghèo dao động từ 18% tới 45% trong năm 2016. Khu vực này dựa vào các doanh nghiệp công nghiệp quy mô nhỏ, như khai thác và chế biến quặng kim loại và đá.

Sau lễ ký kết, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ tích cực chỉ đạo các đơn vị tham mưu của Bộ, Ban Quản lý dự án 2…khẩn trương tiến hành các công tác chuẩn bị, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan, nhà tài trợ ADB trong công tác chuẩn bị và triển khai dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA./.

Theo thời báo tài chínhvn